Quan sát những hành vi giới tính ở con cái là 1 điều quan trọng cha mẹ không thể bỏ qua được.
Nhiều cha mẹ có thể dễ dàng nói với con về khác biệt giữa đúng và sai. Nhưng với vấn đề phát triển giới tính, tình dục, mọi chuyện không dễ dàng đến vậy. Ở tuổi còn rất nhỏ, trẻ đã bắt đầu khám phá cơ thể mình bằng cách chạm, cấu, véo, xoa các bộ phận cơ thể, bao gồm cả cơ quan sinh dục. Khi trẻ lớn dần thì sẽ cần được chỉ dẫn để học về những bộ phận cơ thể này và chức năng của chúng.
Dưới đây là những thông tin và hướng dẫn từ Viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) giúp bạn phân biệt những hành vi giới tính bình thường và không bình thường ở trẻ:
Hành vi giới tính bình thường ở trẻ 2-6 tuổi
– Chạm/nghịch bộ phận sinh dục ở nơi công cộng hay riêng tư.
– Nhìn hay chạm vào bộ phận sinh dục của một bạn cùng tuổi hay em mới sinh.
– Chỉ cho bạn bè thấy bộ phận sinh dục của mình.
– Đứng hoặc ngồi quá gần ai đó.
– Cố gắng nhìn bạn bè hoặc người lớn không mặc quần áo.
Khi trẻ có những hành vi này, cha mẹ hãy cố gắng hướng sự chú ý của trẻ tới những điều phù hợp hơn bằng cách nói với trẻ: “Người lớn làm việc đó ở nơi riêng tư và con cũng nên như vậy”. Nhắc nhở trẻ rằng, trẻ nên tôn trọng lẫn nhau và chạm vào bộ phận riêng tư của người khác là không được. Ngoài ra, nhấn mạnh với trẻ rằng có thể nói với cha mẹ hay một người lớn đáng tin cậy khác nếu xảy ra sự việc ai đó chạm vào bộ phận riêng tư của con.
Các hành vi đáng báo động
Cha mẹ cũng cần biết khi nào thì hành vi giới tính của trẻ trở nên đáng lo ngại chứ không chỉ là biểu hiện của sự tò mò thuần tuý. Các vấn đề hành vi giới tính có thể tiềm ẩn nguy cơ với sự phát triển lành mạnh của con bạn cũng như những đứa trẻ khác. Chúng cũng có thể là dấu hiệu của lạm dụng tình dục, lạm dụng thân thể hay tiếp xúc với hoạt động tình dục.
– Diễn ra thường xuyên và không thể chuyển hướng.
– Gây ra nỗi đau về thể chất/cảm xúc hoặc vết thương cho chính trẻ hoặc người khác.
– Liên quan tới sự gây hấn về thể chất.
– Có yếu tố ép buộc hay cưỡng ép.
– Mô phỏng hành động tình dục của người lớn.
Những hướng dẫn dành cho cha mẹ khi dạy trẻ các quy tắc an toàn thân thể:
Cha mẹ nên bắt đầu dạy con về sự an toàn cơ thể khi trẻ 3-5 tuổi.
Sử dụng ngôn ngữ phù hợp
Dạy trẻ tên gọi đúng tên của mọi bộ phận cơ thể, bao gồm bộ phận sinh dục như dương vật, âm đạo, vú, mông và các phần riêng tư. Sử dụng tên khác để gọi bộ phận cơ thể có thể khiến trẻ nghĩ rằng tên gọi chính xác có gì đó xấu xa. Hiểu lý do tại sao con bạn lại đặt một cái tên đặc biệt cho một bộ phận cơ thể nhưng đồng thời, hãy nhớ dạy con tên gọi đúng. Ngoài ra, hãy dạy con phần cơ thể nào là riêng tư (những phần được đồ lót che đi).
Đừng ép buộc trẻ thể hiện tình cảm
Không được ép trẻ ôm hay hôn người khác khi trẻ không muốn. Trẻ có quyền nói với ngay cả ông, bà mình rằng, trẻ không muốn ôm hay hôn họ. Những đụng chạm không phù hợp – đặc biệt từ phía một người lớn đáng tin cậy – có thể gây hoang mang, bối rối cho trẻ.
Cha mẹ hãy liên tục củng cố ý nghĩ rằng cơ thể trẻ là của trẻ, và con có thể bảo vệ cơ thể mình. Điều cực kỳ quan trọng là con bạn biết kể lại với những người đáng tin cậy nếu bé bị đụng chạm. Bằng cách đó, trẻ biết rằng, con luôn được bảo vệ.
Giải thích động chạm thế nào là tốt, thế nào là xấu:
Bạn có thể giải thích cho con “động chạm tốt” là cách mọi người thể hiện sự quan tâm và giúp đỡ lẫn nhau (ví dụ: ôm, cầm tay, thay bỉm cho em bé…). Còn “động chạm xấu” là khi bạn không thích và muốn hành động đó ngừng lại ngay lập tức (ví dụ: đánh, đạp hay chạm vào bộ phận riêng tư…). Trấn an trẻ rằng phần lớn hành vi động chạm đều ổn, nhưng trẻ nên nói KHÔNG và chia sẻ cho bạn biết về bất cứ hành vi động chạm nào khiến trẻ sợ hãi hay cảm thấy không thoải mái.
Dạy trẻ một quy tắc thống nhất, nghiêm ngặt:
Hãy dạy trẻ rằng, KHÔNG ổn chút nào nếu ai đó nhìn hay chạm vào bộ phận riêng tư của mình hay những phần cơ thể được đồ lót che đi. Sẽ dễ dàng cho trẻ hơn nếu có thể thực hành theo một quy tắc. Và trẻ sẽ lập tức nhận ra thế nào là “động chạm xấu” nếu được dạy kỹ về quy tắc này. Trấn an trẻ rằng, bạn sẽ luôn lắng nghe, tin tưởng và bảo vệ con.
Thường xuyên ôn lại thông tin về vấn đề tình dục với trẻ:
Một số thời điểm tốt để nói chuyện với con bạn về an toàn cá nhân là vào lúc trẻ tắm, khi đi ngủ, trước bất cứ tình huống mới nào. Từ lớp nhà trẻ tới các buổi tập thể thao, lớp học nhảy, chưa kể tới các trại hè và chương trình ngoại khoá, trẻ gặp gỡ và tương tác với rất nhiều người lớn, trẻ em khác mỗi ngày.
Trông đợi những câu hỏi từ trẻ:
Các câu hỏi mà con bạn nêu ra cũng như câu trả lời của bạn sẽ phụ thuộc vào tuổi và khả năng hiểu của trẻ. Những bí quyết dưới đây có thể giúp việc này trở nên dễ dàng hơn với cả bạn và bé:
– Không cười to hay cười khúc khích, ngay cả khi câu hỏi của trẻ rất dễ thương. Không phản ứng một cách giận dữ. Con bạn không nên cảm thấy xấu hổ về sự tò mò của mình.
– Nói ngắn gọn. Không giải thích dài dòng. Trả lời một cách đơn giản, dễ hiểu, hợp với tuổi của trẻ. Ví dụ: Trẻ ở tuổi mầm non không cần biết chi tiết về quá trình giao hợp.
– Quan sát xem trẻ có muốn hay cần biết thêm không. Hãy hỏi trẻ sau khi giải đáp một câu hỏi của trẻ: “Điều mẹ vừa nói đã giải đáp thắc mắc của con rồi chứ?”.
– Lắng nghe phản ứng và hồi đáp của trẻ.
– Chuẩn bị tâm lý sẵn sàng để nhắc lại.
Nguồn: Children