Hậu ly hôn, các cặp đôi và con cái đều phải đối mặt với những tổn thương tâm lý. Tuy nhiên, con trẻ chưa có hiểu biết sâu sắc nên đôi khi không biết cách vượt qua và dễ hình thành những quan điểm, suy nghĩ sai lệch về tình yêu, hôn nhân và nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống.
Nếu cả hai đi đến quyết định ly dị, nên trao đổi trực tiếp và an ủi để con cái biết rằng, dù cha mẹ không còn chung sống với nhau nhưng vẫn dành tình cảm và sự quan tâm đối với con. Tùy vào độ tuổi, bố mẹ phải lựa chọn lý do phù hợp để giải thích cho việc vì sao đi đến quyết định chấm dứt mối quan hệ. Sự trung thực sẽ giúp con hiểu hơn và tôn trọng quyết định của bố mẹ. Tuy nhiên, cả hai không nên đề cập đến lỗi lầm của đối phương và chỉ trích, trách móc nhau trước mặt con cái.
Hơn ai hết, con cái là người bị tổn thương sâu sắc sau khi bố mẹ ly dị. Dù sống chung với bố hay mẹ, cả hai đều phải quan tâm đến con. Vào cuối tuần, cả hai nên dành thời gian để trò chuyện và chia sẻ cùng con những vấn đề, sự việc xảy ra trong cuộc sống. Nếu ở xa con cái, nên liên lạc với con thường xuyên qua điện thoại để giúp con cảm thấy được quan tâm, tránh cảm giác cô đơn và bị bỏ rơi.
Các cặp đôi nên ly hôn trong hòa bình và dành cho nhau sự tôn trọng để tìm ra cách giáo dục, quan tâm con cái đúng đắn. Trong trường hợp này, con trẻ khi lớn lên hầu như không gặp phải bất cứ vấn đề tâm lý nào mà ngược lại còn hiểu hơn về ý nghĩa thực sự của hôn nhân và tầm quan trọng của việc tôn trọng, thấu hiểu trong một mối quan hệ.
Ly hôn đôi khi là giải pháp tốt nhất cho một cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Tuy nhiên, các cặp đôi cần hiểu được vấn đề cha mẹ ly hôn ảnh hưởng như thế nào đến con cái để lựa chọn thời điểm ly dị phù hợp và biết cách giúp con vượt qua tổn thương tâm lý. Nếu cần thiết, nên xem xét cho trẻ tham vấn tâm lý để đối mặt với việc bố mẹ không thể chung sống cùng nhau trong tương lai.
Seloman Tổng hợp