Nhiều người cho rằng, người chồng yêu vợ là người chỉ ăn cơm vợ nấu. Nhưng tôi lại nghĩ theo một chiều hướng khác, người đàn ông chỉ ăn cơm vợ nấu là một người ích kỷ.
Cớ sao chỉ ăn cơm… vợ nấu?
Cuối tuần hẹn gặp bạn lúc 9 giờ mà mãi đến tận 10 giờ rưỡi bạn mới đến. Bên cạnh váy áo cao gót, phấn son là lượt thì bạn xách theo một cái làn đi chợ lỉnh kỉnh thịt rau. Tôi trách khéo, sao hẹn bao nhiêu lần, giờ mới gặp được. Bạn kêu bận, vì phải làm việc nhà rồi phải đi Spa làm đẹp để giữ chồng. Ngồi uống chưa cạn cốc nước thì bạn đã lục đục vội về nấu cơm trưa, mang đến công ty cho chồng. “Chồng tớ không bao giờ ăn cơm bên ngoài”, bạn giải thích. Hầu hết thời gian trong ngày, bạn đều suy nghĩ đến việc nấu món gì cho ngon, trang trí thế nào cho đẹp, bạn nghĩ đấy là cách giữ chồng tốt nhất. Quần áo của chồng phải đích thân vợ giặt tay, là phẳng chứ không chịu để người giúp việc làm. Bạn cho rằng, chồng bạn yêu vợ nên mới chỉ ăn cơm vợ nấu. Nhưng tôi cho rằng, người đàn ông chỉ ăn cơm vợ nấu là người đàn ông ích kỷ.
Những người đàn ông miệng nói thương vợ nhưng chẳng bao giờ chịu làm việc nhà giúp vợ, không biết nỗi vất vả của một người nấu bếp thì tình thương ấy cũng chỉ nằm trên đầu môi. Vì chồng chỉ ăn sáng ở nhà nên vợ phải dậy từ sáng sớm, lục đục hầm xương lấy nước dùng hoặc nấu cháo, có khi phải đồ xôi, làm bánh để đổi món. Vì chồng chỉ ăn cơm vợ nấu nên cuối buổi, vợ phải hối hả về nhà lao vào bếp với dao thớt, nước lửa. Nếu người chồng có thể ăn uống đơn giản, chịu ăn đồ ăn người giúp đỡ nấu hay mua đồ ăn bên ngoài thì người vợ đã bớt vất vả, được thêm chút nghỉ ngơi.
Tôi thấy nhiều người phụ nữ dành cả cuộc đời mình để lo giữ chồng, mọi vui buồn cũng đều phụ thuộc vào sắc mặt của chồng cả. Có nhiều người vợ đi ăn cưới hay đi công việc cũng phải vội vàng về nấu cơm cho chồng “vì anh ấy không biết nấu” hay “anh ấy không chịu nấu”. Có những khi vất vả đi làm cả ngày, tối mịt mới về đến nhà, thấy chồng đã tắm rửa sạch sẽ, ngồi gác chân lên xem tivi, còn bếp núc lạnh tanh, ngay cả nồi cơm điện cũng nguội ngắt. Nhưng cơm nước đầy đủ dâng lên miệng chồng mà cũng không được một lời cảm ơn, có khi phải nghe đủ những câu phàn nàn “hôm nay nhà hết muối à?” “hôm nay đau răng hay sao mà luộc rau nhừ thế”… Người vợ, người đầy mồ hôi, tóc tai bết lại, ăn miếng cơm cũng không trôi.
Chiều chồng, chiều con không hẳn đã tốt
Có câu chuyện kể rằng, có một gia đình nọ, việc bếp núc lúc nào cũng do người mẹ đảm nhiệm. Trong một lần cả nhà bàn việc, người mẹ có góp ý vào nhưng chồng con đều tỏ ý khinh thường. Tối hôm đó, người vợ thay vì dọn cơm thì dọn cho cả nhà một chồng cỏ khô lên mâm cơm. Mấy người gào lên: “Bà điên à? Chúng tôi không thể ăn cỏ khô được”.
Bà vợ thản nhiên đáp: “Vậy mà suốt hai mươi năm nay, các người không nhận ra điều đó ư?”.
Những người vợ, người mẹ thường tự coi thường chính mình “không hiểu chuyện” vì quanh quẩn bếp núc rồi cũng dạy con phải biết nấu ăn và đảm đang việc nhà, không thì ế chồng. Câu nói “đường đến trái tim đàn ông thông qua cái dạ dày” được nhiều người coi là chân lý sống để giữ chồng. Suốt cả tuổi thanh xuân lo để kiếm được một tấm chồng rồi lại dành cả cuộc hôn nhân để lo giữ chồng, dù chồng có tệ bạc, sai trái hay ngoại tình thì lại phải cố nhẫn nhục để giữ hôn nhân không đổ vỡ.
Thực ra đàn bà giỏi nấu ăn hay vụng nấu ăn cũng không khác nhau là mấy. Nấu ăn là việc có thể học được, chỉ cần chịu khó chứ không thực sự cần phải khéo tay. Đàn bà ở nhà lo bếp núc hay đi ra ngoài làm việc cũng không khác nhau là mấy. Quan trọng là ở thái độ của người chồng có biết tôn trọng vợ, có thương vợ hay không. Người đàn ông chê vợ nấu ăn dở nhưng chưa từng chịu vào bếp cùng vợ, chưa từng mua cho vợ một món ăn để vợ khỏi vất vả hay dẫn vợ đi ăn một bữa tử tế bên ngoài thì cũng không xứng đáng được chê bai. Chê vợ nấu ăn không ngon, trách vợ không khéo léo để tìm kiếm niềm vui bên ngoài cũng chỉ là cái cớ đẻ ngụy biện cho thói trăng hoa của mình.
Cô bạn tôi xinh đẹp là thế, cúc cung tận tụy chăm lo cho chồng, bỏ hẳn công việc để ở nhà nấu cho chồng ngày ba bữa, tuần không ăn món nào quá một lần, giặt tay rồi tỉ mỉ là từng chiếc áo cho chồng nhưng rồi người chồng ấy vẫn ngoại tình. Vậy nhưng, ngay cả khi người chồng đã ngoại tình rồi, trong cơn đau đớn, cô vẫn cố gắng học thêm món ăn mới để giữ chồng ở nhà ăn được bữa cơm. Cô vẫn không dám mặc kệ chồng một bữa nào nhịn đói hay phải đi ăn ngoài cả.
Người đàn ông được chiều chuộng quá nhiều đâm ra ỷ lại, họ sẽ coi thường những thứ mà mình nhận được. Người phụ nữ khôn ngoan không phải là người có thể làm được tất cả mọi việc một cách đảm đang và khéo léo.