Làn sóng độc thân đang không ngừng gia tăng trên thế giới và có rất nhiều lý do khiến đàn ông ngày nay thích “một mình” hơn cuộc sống hôn nhân.
Cho dù cuộc sống hôn nhân không phải bao giờ cũng hạnh phúc nhưng các công trình nghiên cứu gần đây vẫn chỉ ra rằng: “Xét trên mọi phương diện, với loài người không có phương thức sống nào tốt đẹp hơn cuộc sống lứa đôi”. Mặc dù vậy, vẫn không ngăn được làn sóng độc thân không ngừng gia tăng trên thế giới mà đàn ông chiếm tỷ lệ cao hơn.
Nghìn lẻ một kiểu “yêu” chồng
Có phải một số đàn ông không muốn kết hôn do không thích phụ nữ? Trái lại những nghiên cứu ở nhiều nước cho thấy đa số những người này có nhiều “bạn gái” hơn người có vợ. Nhiều đôi chỉ “góp gạo thổi cơm chung” mà không chịu đăng ký kết hôn, không làm lễ cưới. Đó là chưa kể một số người thay người yêu như thay áo.
Có nhiều nguyên nhân khiến không ít đàn ông thời nay dị ứng với hôn nhân. Thậm chí có người nói “lấy vợ hay đi tù cũng thế cả thôi, đang sống tự do điên gì mà lại vào tù”. Bởi vì có những chị em coi chồng như “vật sở hữu” của riêng mình. Núp dưới những mỹ từ như “yêu, quan tâm, chăm sóc” chồng, họ đánh đồng tình yêu với sự chiếm hữu.
Những chàng trai chưa vợ nghe các đàn anh nói chuyện về việc được vợ “quá yêu” mà nổi da gà. Về đến nhà tắt điện thoại thì bị căn vặn: “Sợ bồ gọi bị lộ hay sao mà phải tắt?”. Mà đúng là sợ thật. Cứ mỗi lần máy có tín hiệu là giật mình thon thót. Phải trả lời thật to, giọng càng đanh thép càng tốt. Nói giọng êm ái là bị nghi ngay. Phải vừa nói vừa vung tay vung chân đi đi lại lại thật hoành tráng. Tắt máy rồi còn thêm một câu như nói với cấp dưới: “Có thế mà cũng phải hỏi”.
Có anh bị vợ tra khảo cả đêm chỉ vì tại sao gọi điện thoại lại nói câu to câu nhỏ? Có anh ngày nào vợ cũng gọi vào máy di động cả chục lần. Nghe ồn ào thì hỏi: “Đang nhảy ở sàn hả?”, nghe im ắng lại rít lên: “Đang ở trong nhà nghỉ đúng không?”. Đi làm về tươi cười thì: “Chắc vừa tí tởn với con nào nên hí ha hí hửng?”, mặt buồn rười rượi lại hỏi: “Bị bồ đá hay sao mà ngơ ngẩn như mất hồn?”. Dựng xe xong vào bếp giúp vợ luôn cũng bị nghi: “Chắc lại tòm tem được em nào nên “lập công chuộc tội”. Mết lử cò bợ ngồi thừ ra thì: “Chắc con nào nó quần cho bã người ra rồi”. Nói tóm lại là kiểu gì cũng chết. Ngày 8/3 nịnh vợ mua bó hoa rõ đẹp đem về, vợ lại nguýt dài: “Chắc định tặng con nào không gặp đem về chứ gì”. Thế có điên không?
Nhìn thấy hôn nhân không hấp dẫn
Một số đàn ông không muốn chính mình lại phải gánh chịu cái cảnh mà bố họ chịu hàng ngày. Một số khác từng phải chứng kiến bố mẹ lục đục nhiều năm. Những xung đột, cãi vã, mắng nhiếc nhau thậm tệ, cả những đòn “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” cuối cùng là phiên toà xử ly hôn với những tranh chấp quyết liệt về con cái, tài sản, trước khi mỗi người đều thở phào nhẹ nhõm “thoát nợ”.
Cũng có anh sợ lấy vợ vì từ lúc còn nhỏ họ đã phải chứng kiến cảnh “đi ngang về tắt” của mẹ mà ông bố đáng thương chẳng hay biết gì. Có khi lại là cảnh bố bịa ra hàng trăm lý do để tìm mọi cách ra khỏi nhà. Tệ hơn nữa là cảnh “ông ăn chả, bà ăn nem”.
Có nhà xã hội học cho rằng, nguyên nhân khiến đàn ông ngại kết hôn còn vì ngày nay ở đâu cũng có khẩu hiệu “nam nữ bình đẳng”. Họ nghĩ mình chẳng có quyền gì với vợ, không những thế còn lo bị vợ áp đảo. Chưa kể, nhiều đàn ông tự thấy khó có thể hài lòng suốt đời chỉ có một đối tác. Vậy thì lấy vợ có khác gì mua gông đeo vào cổ?
Đa số đàn ông dị ứng với hôn nhân là những người sống ở thành phố và nhiều người trong số họ có học thức, có thu nhập cao. Cuộc sống hôn nhân chẳng mấy hấp dẫn đối với họ. Trái lại, theo họ, hôn nhân chính là nguyên nhân gây nên bao nhiêu phiền toái đối nội đối ngoại. Nói tóm lại họ cho hôn nhân đúng là tự làm khổ mình.
Thế nhưng nhiều đấng nam nhi vẫn phải “chui đầu vào rọ” vì theo các nhà nghiên cứu, có những lý do khiến họ không thể sống mãi một mình. Bởi lẽ, trong mỗi chúng ta có một nhịp sống tự nhiên gọi là “đồng hồ sinh học” (biological calendar). Đến một lúc nào đó, nếu anh không sống thành cặp đôi ổn định với một người khác giới để cân bằng tâm sinh lý thì anh sẽ bị “chập mạch”. Cuộc sống lứa đôi cần thiết với đàn ông hơn là với phụ nữ. Người đàn ông có vợ sống điều độ hơn.
Theo nhà nghiên cứu Jean-Claude Haufmann, đàn ông độc thân thường có xu hướng tự huỷ hoại mình. Họ chết do xuất huyết não 6 lần nhiều hơn những người có vợ. Tự tử và đi tù nhiều gấp 3 lần. Họ lắm bệnh tật và tổn thọ hơn người có vợ đến 10 năm. Nhưng khi còn trẻ họ thường không nhìn thấy những nguy cơ đó.
Sự gia tăng không ngừng của đàn ông độc thân trên thế giới, nhất là những nước phát triển đã đến mức xấp xỉ thậm chí đông hơn người có vợ. Họ đeo nhẫn tay phải để phân biết với người đã kết hôn đeo nhẫn thay trái. Tình trạng này dẫn đến trẻ con ít đi, dân số giảm đi và bị lão hóa. Cứ đà này các nhà tương lai học e rằng trước năm 3000 có những quốc gia sẽ bị xóa sổ trên bản đồ thế giới nếu không có những giải pháp can thiệp hữu hiệu.
Đi tìm giải pháp khả thi
Có lẽ đã đến lúc cả hai phái phải điều chỉnh lại định nghĩa về hôn nhân. Đàn ông phải giảm bớt tính tự do yêu đương và gia trưởng. Phụ nữ cũng phải nới lỏng sợi dây trói buộc nhau ra một chút.
Chỉ khi nào hai phái cùng điều chỉnh mới tiếp cận được chân lý của cuộc sống lứa đôi, để cùng hưởng niềm vui thú ngàn đời mà tổ tiên chúng ta gọi là hạnh phúc gia đình.
Một nhà nọ có người con trai cứ sống độc thân đến gần 40 tuổi. Bố mẹ sốt ruột lắm giục con lấy vợ. Anh ta ngạc nhiên hỏi lại: “Con không hiểu sao ngày nào bố mẹ cũng cãi nhau mà cứ bắt con đi vào con đường ấy?”. Bố mẹ ngồi ngẩn ra nhìn nhau chẳng biết nói thế nào. Có lẽ họ phải làm gì đó mới bảo được con.
Theo Trịnh Trung Hòa