Một nguyên tắc để cuộc sống hôn nhân, muốn hạnh phúc hoặc mối quan hệ Nam – Nữ tốt đẹp đó là: Đừng coi bản thân mình là quan trọng!

Bài viết tôi sưu tầm dưới đây nói lên sự mâu thuẫn thường gặp của mối quan hệ mà chúng ta đang mắc phải hàng ngày. Từ đó bạn sẽ nhận thấy mình cần phải thay đổi như thế nào.

Sự không hiểu nhau là đầu mối của mọi sự bất hòa – nguyên nhân của không biết bao nhiêu cuộc tình duyên vỡ lở. Lẽ ra, càng sống chung với nhau lâu chừng nào sẽ càng thấy bớt sự hiểu lầm nhau, nhưng kinh nghiệm cho ta thấy trái lại; càng sống chung đụng nhau, càng thấy sự không hiểu nhau thêm trầm trọng hơn.

 “Sự khó khăn nhất trong tình cảm vợ chồng là mỗi bên mỗi đòi hỏi phải công khai những điều mà trong thâm tâm mình không muốn; nhưng trong thâm tâm mình thì lại muốn những điều mà mình không dám đòi hỏi công khai”.

Nói một cách khác: người đàn ông cũng như người đàn bà, trong thâm tâm đều có khát vọng âm thầm mà ngoài mặt không bao giờ dám đòi hỏi nơi người mình yêu. Không phải vì người ta giả dối, nhưng thật sự, vì người ta không ai hiểu rõ lòng mình.

Người ta chỉ hoàn toàn sung sướng khi thỏa mãn được những đòi hỏi thầm kín của cõi lòng mình mà không phải trắng trợn cầu xin. Thật yêu nhau, phải tự mình tìm cách thỏa mãn những khát vọng thầm kín ấy của người mình yêu mà đừng để họ âm thầm ôm ấp và đau khổ hay bắt họ phải thổ lộ tâm tình.

 

Trong một bức thư tâm sự của một người đàn bà trẻ tuổi mà cũng là một bà mẹ gương mẫu gửi cho bà Gina Lombroso có đoạn: “Thưa bà, bà đã ca ngợi đức hạnh và lòng hy sinh của người đàn bà trong hôn nhân. Nhưng, thưa bà, đấy là những điều không cần thiết gì cả cho người đàn bà để được hạnh phúc trong gia đình. Bà sẽ thấy rõ: đã có bao nhiêu người đàn bà đức hạnh được chồng yêu thương với tỷ số hạng người đàn bà vụng về đã được người chồng quý chuộng?”

Thực là chua chát mỉa mai làm sao! Nhưng bức thư này chứa đựng một phần nào sự thật trắng trợn lạnh lùng! Thật vậy, ta không thể chối cãi rằng không có những sự “bất công” như thế xảy ra. Chính mắt tôi cũng đã từng thấy, trong khi có những người đàn ông sáng suốt, biết đánh giá cao những người vợ hiền, vừa biết lo xa, vừa đẹp đẽ. Thì cũng có không biết bao nhiêu người đàn ông không xem đức hạnh và lòng hy sinh của người đàn bà vào đâu cả, lại còn “yêu quý” những con người chẳng những ngu si, đần độn độc ác và xấu xí đến “ma chê quỷ hờn” nữa. Có những ông chồng lại “đưa tận mây xanh” những “mụ” đàn bà khờ dại vụng về, không biết nấu chín một nồi cơm mà việc tề gia nội trợ trong nhà hoàn toàn là “bạch tuộc”. Thế mà những hạng đàn bà ấy lại được “đức ông chồng” nâng niu như ngà ngọc! Nhưng, nói thế không phải là tôi muốn kết luận rằng những đức hay nết tốt của người đàn bà là những điều không đáng kể. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng những điều kiện ấy mà tự người đàn bà cho là quý báu, mà xã hội chung quanh đều nhìn nhận là đứng đắn, cũng chưa đủ để cho người đàn bà được yên chí, vì nó chưa trả lời được đầy đủ những khát vọng thầm kín của người đàn ông.

Thật ra, cũng đâu phải ta không thấy có những người đàn bà hết sức “thờ kính” một ông chồng ích kỷ độc tài, thường chỉ biết hắt hủi người đàn bà hơn là biết chiều chuộng, yêu thương. Lắm khi lại còn bắt buộc người đàn bà của mình phải hy sinh trăm ngàn việc khác để cho mình “nằm không” mà thụ hưởng. Trái lại, cũng không biết bao nhiêu người đàn ông hết sức đau khổ vì tình thương rẻ rúng của người vợ bạc tình mất dạy, nhưng vẫn một lòng thủy chung yêu thương tha thiết.

Tại sao muốn hạnh phúc thì đừng coi bản thân mình là quan trọng

Trong hôn nhân, người ta bắt buộc dung hòa những điều khó thể dung hòa, ít khi thấy thực hiện đầy đủ được nơi một người đàn bà.

Đối với người đàn ông, người vợ hoàn toàn phải là một người đàn bà “muôn mặt”, nghĩa là một người đàn bà có thể trả lời đầy đủ những câu hỏi mâu thuẫn của họ, phải vừa là một người nội trợ đảm đang, nghiêm trang chín chắn, vừa là một người đàn bà có nghệ thuật gợi tình và biết làm cho họ như một gái giang hồ, nghĩa là vừa là người biết làm “lợi” cho chồng, mà cũng vừa biết làm “vui lòng” chồng.

Tâm hồn người đàn bà, khi chưa kết hôn, thì lo làm “vui lòng” người mình yêu, mà sau khi kết hôn thì chỉ vụ “lợi” cho người mình yêu. Bởi vậy “người vợ” đã quên vai tuồng người “tình nhân”, vì đã quá bận đến phận sự làm “vợ” và làm “mẹ”. Vì thế mà bao giờ cũng chỉ gây hạnh phúc thực sự cho chồng con mà thôi. Trái lại tâm hồn của một cô gái giang hồ thì chỉ có một nguyện vọng duy nhất là chiếm đoạt tình yêu của người đàn ông… bất cứ bằng phương pháp nào. Họ muốn họ là trung tâm điểm của tất cả, mọi người chung quanh phải chiều chuộng nâng niu họ, dù phải đau khổ cho họ đến bậc nào: tâm hồn ấy là một tâm hồn ích kỷ và độc ác. Giữa hai bản tính ấy là cả một cái hố sâu không làm sao lấp bằng được. Gái giang hồ thường đóng vai những tình nhân và được người đàn ông yêu thương nhất, nhưng rất có thể bị ruồng bỏ ngang trong khi người đàn ông bắt đầu chê chán, không chút gì tiếc rẻ.

Không lợi gì cho người đàn bà đứng đắn đi dùng thủ đoạn giả dối của gái giang hồ, vì nó chỉ cần thiết cho những cuộc tình duyên tạm bợ thôi.

 

Tuy nhiên, đã đành rằng người vợ không thể, mà cũng không nên bắt chước những thủ đoạn của bọn gái này, nhưng thực lòng nếu muốn giữ gìn chồng mình đừng lạnh nhạt trong tình yêu, cũng nên cố gắng dung hòa những khát vọng thầm kín của mình với những khát vọng thầm kín của chồng mình.

Và muốn đạt được kết quả ấy thì phải có đủ can đảm thành thật giãi bày cho nhau những khát vọng của lòng mình để có thể hiểu nhau, chịu đựng nhau, tha thứ cho nhau và yêu nhau mãi mãi. Nhưng đâu phải đó là việc dễ dàng như ý muốn: những khát vọng thầm kín của lòng ta đâu có hiện rõ ràng như trên tờ giấy trắng. Nó thường lưu động ngấm ngầm trong đáy lòng nên phần đông không dè mà để ý. Nhưng nếu có kẻ nào sáng suốt nhận thấy được thì lại vì lòng tự phụ, tự ái… không chịu nói ra: họ muốn người yêu của họ phải tìm mà hiểu lấy…

Đấy là nguyên nhân tại sao muốn hôn nhân, hoặc mối quan hệ của mình tốt đẹp thì hãy biết giãi bày, bởi kể cả bản thân mình cũng không thể hiểu hết được lòng mình thì tại sao lại bắt người mình yêu phải hiểu hết tất cả những điều mà mình muốn.