Tôi có một cô bạn là bà mẹ đơn thân, không phải bất đắc dĩ mà là cô ấy chọn lựa. Đứa bé không phải là kết quả của những cuộc tình chóng vánh hay dài lâu rồi đổ vỡ, cũng chẳng phải là sự bồng bột hay nông nổi của tuổi trẻ. Đứa trẻ ấy đã ra đời vì cô ấy cần nó, yêu thương nó và chọn lựa nó. Quan trọng hơn là cô ấy muốn làm mẹ và cô ấy đã làm mẹ ở tuổi 24, không phải quá trẻ nhưng ở độ tuổi ấy, ít ai dám từ bỏ những khát vọng và ước mơ, những thói quen và cuộc vui bên đời để chịu một thứ ràng buộc khó khăn hơn nhiều việc quyết định lập gia đình – trở thành một bà mẹ đơn thân. Làm mẹ một đứa trẻ không đơn giản, và càng không hề đơn giản khi làm mẹ một mình.

 

Nghe có vẻ không khả thi, một cô gái đang tuổi xuân thì với những ấp ủ và khát khao về một tương lai phơi phới phía trước, hà cớ gì lại tự đẩy mình vào con đường khó khăn như thế? Hà cớ gì lại để mình phải chịu thiệt thòi trước trăm bề vòng xoáy để tự mang nặng đẻ đau một mình? Cô bạn tôi đã trả lời như thế này với tôi trong một lần nói chuyện: “Có rất nhiều người nói mình khùng, có người hoài nghi giới tính. Rằng, mình đang tự làm mình khổ. Có ăn có học, có sự nghiệp đàng hoàng, có nhan sắc, có thành công danh vọng… Mình lẽ ra phải yêu và lấy một người đàn ông xứng tầm mới đáng sống. Nhưng, mình tự hỏi, thế nào là đáng sống? Thế nào là phải yêu một người đàn ông có đủ điều kiện tương xứng? Chẳng phải, chúng ta đều có đủ chân tay và bộ não bình thường thì phải tự mình quyết định và gánh vác cuộc đời mình sao?

Nhưng, những người phụ nữ Việt Nam ngày nay thật buồn cười, họ luôn muốn bản thân phải lấy một người đàn ông giàu có, địa vị quyền thế để suốt đời sống bám vào những người đàn ông ấy như những cây tầm gửi, rồi nếu họ chẳng may bị phụ bạc, họ lại đổ lỗi cho số phận, cứ nghĩ như cuộc đời tồn tại nhiều hồng nhan bạc phận lắm. Đời họ chưa lo xong, họ lại lo dạy con cái họ, những cô gái có nhan sắc chỉ để lấy chồng giàu, những chàng trai thì luôn có tính gia trưởng, không được phép yêu thương, coi trọng vợ hơn mẹ. Mình không phải là đang mất tin tưởng hay có cái nhìn ác cảm về những người đàn ông, về tình yêu, nhưng mình đã chọn làm mẹ đơn thân, một sự chọn lựa không ràng buộc, chỉ tự nguyện, vì mình muốn nuôi dạy con mình trong sự thoải mái nhất, không có những nghĩa vụ mệt mỏi của việc vừa làm con dâu, vừa làm vợ vừa làm mẹ, cũng không lo những xung đột trong cách nuôi dạy con cái, cũng không có sự thất vọng, đau khổ nếu một ngày cha mẹ ly hôn. Hạnh phúc chỉ là biết giữ lấy cuộc đời cho riêng mình”.

 

Cô bạn tôi đã làm bà mẹ đơn thân đến nay được hai năm, đứa trẻ của cô không những phát triển thể chất rất tốt mà còn có sự đặc biệt về nhận thức và tính cách. Để nuôi dạy một đứa trẻ độc lập, tự tin, hiểu biết trong môi trường sống có nhiều ánh mắt soi xét nghi kị, có nhiều sự chỉ trích và bài trừ là một điều thật sự khó. Hẳn là cô đã trải qua vô vàn áp lực trước miệng lưỡi người đời. Rất may, cô còn có gia đình ủng hộ, bố mẹ cô yêu thương đứa trẻ và tin tưởng ở sự chọn lựa của cô. Dù vậy, để có được tâm lý vững vàng như thế, tôi tin rằng, cô ấy phải có một niềm tin mạnh mẽ và tình yêu bao la với đứa nhỏ của mình. Tình yêu của người mẹ chính là chìa khóa để mở ra bất kỳ cánh cửa nào ngăn cách cô lại với cuộc sống.

Làm bà mẹ đơn thân ở nước ngoài không phải là một điều gì đó mới mẻ hay to tát. Ở Việt Nam, trong khoảng gần hai năm trở lại đây thì nó trở thành một xu hướng. Tôi không biết có bao nhiêu người phụ nữ Việt Nam đang làm bà mẹ đơn thân. Nhưng vì lý do gì, dù là bất đắc dĩ hay là chọn lựa, tôi vẫn muốn dành cho những người phụ nữ ấy sự thông cảm và tôn trọng. Tất nhiên, tôi không cổ vũ việc tạo ra một xu hướng làm mẹ giống như thời trang, vì làm mẹ với mục đích nào cũng không dễ dàng và đơn giản như khoác lên người một món đồ hợp mốt mà chẳng cần biết mình có phù hợp hay không, để rồi nếu một ngày nào đó khi mốt đó qua đi, bỗng nhiên người ta chán và muốn vứt bỏ trách nhiệm của mình.

Làm mẹ khi có sự sẻ chia của người chồng vẫn rất vất vả. Làm một bà mẹ đơn thân đòi hỏi bạn phải là người có thần kinh thép để luôn nuôi dạy và bảo vệ con mình vững chắc, phải bù đắp cho con tình yêu gấp đôi của một người vừa làm mẹ, vừa làm cha. Thế nhưng, tôi cho rằng nguyên nhân nào dẫn đến việc bạn phải làm mẹ đơn thân cũng không quan trọng bằng việc bạn cảm thấy sẵn sàng đáp ứng được cuộc sống riêng và hạnh phúc với chọn lựa của mình, bạn chọn vì tình yêu với con. Nếu như bạn cảm thấy việc bạn muốn làm mẹ một mình là để tỏ sự bất mãn, để trả thù hay để chứng tỏ một cái tôi nào đó với đàn ông thì điều tệ hại nhất không phải là từ phía miệng đời mà là từ bản thân bạn.

Làm mẹ khó nhưng là trải nghiệm tuyệt vời nhất trong cuộc đời người phụ nữ. Và chỉ cần được yêu thương, đứa trẻ nào cũng hạnh phúc. Điều đó cũng có nghĩa là, chúng ta cần thay đổi cách nhìn, không phải chỉ cho những bà mẹ đơn thân mà còn cho những đứa trẻ được sinh ra không đủ cha hay đủ mẹ. Nếu chúng vẫn được nuôi dạy tốt và đón nhận tình yêu thương đầy đủ từ người mẹ hay người cha đơn thân thì chẳng cớ gì chúng ta lại cần có ánh nhìn hay cái chép miệng tỏ ra thương hại. Lòng thương hại nhiều khi là thứ lòng thương áp đặt và gánh nặng cho cuộc đời nhiều người nếu không đặt đúng nơi, đúng lúc.

Có nhiều người đang có cuộc sống mà họ coi là “bình thường” đúng quy luật tự nhiên, luôn cho mình cái quyền ban phát “lòng thương hại” như một cách thể hiện tính nhân văn với cuộc đời. Nhưng họ không biết rằng, những thứ mà họ cho rằng tội nghiệp với cuộc đời của người khác lại là thứ miệt thị và áp lực có thể khiến một người đang đứng thẳng thành đứng cong, đang ngẩng cao thành cúi thấp, để rồi có thể suốt cuộc đời người đó sẽ sống trong nỗi tự ti ám ảnh về thân phận mình. Một bà mẹ đơn thân không có gì tội nghiệp nếu như người mẹ ấy đã chọn lựa và sống đàng hoàng, và con cái họ cũng có quyền sống bình đẳng, ngẩng cao đầu trên mọi bước đi và có quyền tự hào về mẹ của nó đã vượt qua gian khó để nuôi dạy thành người. Chúng ta chỉ có sự thông cảm, sẻ chia và tôn trọng chứ không có quyền mang định kiến, quy luật ra phán xét dưới ánh mắt thương hại. Vì như thế chỉ là chúng ta đang tự cho mình hơn người và lòng thương hại kia sẽ hóa thành coi thường thôi.

Một bà mẹ đơn thân rất đáng tôn trọng, vì bên cạnh bản lĩnh thì còn có cả trách nhiệm cao. Rõ ràng những người mẹ ấy, cho dù có người sinh ra con vì những dại khờ nông nổi trong tình yêu vẫn đáng quý hơn những người mẹ vì mải mê kiếm tìm hạnh phúc, danh vọng, vô tâm vô trách nhiệm mà giết bỏ hay bỏ rơi con mình. Làm mẹ đơn thân không phải điều để tôn vinh nhưng chắc chắn cũng chẳng phải một nỗi nhục hay tủi hổ, chỉ là để tự hào trong tình yêu thương với đứa con mình đã sinh ra. Hạnh phúc đó, chẳng ai có quyền tước bỏ, vì ít nhất bạn đã mang đến sự sống đẹp xinh cho cuộc đời.

Thế giới không tồn tại sẵn những con đường, đường là do người ta đi nhiều mà thành. Nên bước trên con đường không giống người ta không có nghĩa là mình sai, họ đúng. Cuộc đời chỉ có những ai sống thuyết phục hơn thì số đông sẽ nghiêng về. Mà nhiều khi, người ta vì sợ cô độc mà chọn đứng về phía số đông chứ không hoàn toàn vì họ thích.

Con người suy cho cùng vẫn chỉ là những kẻ yếu đuối cứ tự nhìn cái bóng của mình phản chiếu qua ánh mắt người khác rồi tự hỏi mình có làm mất lòng ai không, có lố bịch không thay vì tự hỏi, mình có hài lòng, có hạnh phúc không. Thế nên, hãy luôn tin rằng đi một con đường lạ có lúc phải đứng một mình, có thể sẽ rất cô đơn, nhưng cuộc đời nằm trong tay mình chứ không phải nằm trong ánh mắt của người đứng bên kia đường, vững tin mà đi rồi cuộc đời sẽ luôn đền đáp cho những ai đã sống hết mình.